Có thể doanh nghiệp của bạn đang đối mặt với rất nhiều áp lực về tài chính, đang hoạt động cầm chừng hoặc thậm chí là tạm đóng cửa, ngừng kinh doanh vì dịch bệnh Covid-19. Khủng hoảng rồi sẽ qua đi, kinh tế rồi sẽ hồi phục. Điều quan trọng là bạn làm gì để cuộc khủng hoảng không trôi qua một cách vô nghĩa, chuẩn bị gì để có thể vực dậy mạnh mẽ khi khủng hoảng qua đi.
Đóng cửa không có nghĩa là ngừng hoạt động!
Một số ý kiến cho rằng, dịch Covid-19 là một phép thử cho thấy “sức khoẻ" của doanh nghiệp đang ở mức độ nào? Khả năng phản ứng của doanh nghiệp với khủng hoảng, từ đó thấy được điểm mạnh, điểm yếu và cả những thách thức, cơ hội phía trước.
Theo các nhà kinh tế học, dịch Covid-19 đang khiến các doanh nghiệp phải “tạm dừng" và “tái cài đặt" hoạt động của doanh nghiệp. Các doanh nghiệp buộc phải thay đổi chiến lược kinh doanh để thích ứng với tình cảnh mới. Nhiều doanh nghiệp phải tạm dừng đóng cửa, ngừng kinh doanh, “ngủ đông” chờ dịch bệnh qua đi.
Tuy nhiên, đóng cửa không có nghĩa là ngừng hoạt động, “ngủ đông" không có nghĩa là bất động. Doanh nghiệp có thể tận dụng thời gian “ngủ đông" này để chuyển đổi mô hình, nâng cấp hệ thống, chuẩn bị năng lượng để dịch bệnh qua đi là vực dậy mạnh mẽ.
Hoạt động trong lĩnh vực chịu tác động nặng nề nhất của Covid-19, du lịch, ông Nguyễn Ngọc Toản, Giám đốc công ty Images Travel cho biết, hoạt động kinh doanh của công ty đã tạm ngừng từ khi dịch bệnh bùng phát và không biết khi nào mới mở lại. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là mọi hoạt động của công ty đều bị đình trệ. Ngược lại, công ty đang tập trung nâng cấp, đổi mới để có thể đón khách ngay sau khi hết dịch.
Các nhà quản trị cho rằng, nghỉ dịch Covid-19 là cơ hội để doanh nghiệp nâng cấp, kiện toàn hệ thống quản lý. Ông Trần Việt Tiến, Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM cho biết làn sóng chuyển đổi số trong doanh nghiệp đã xuất hiện từ lâu nhưng chưa hoàn thiện. Khi dịch Covid-19 bùng nổ, doanh nghiệp phải đóng bởi cửa hàng để cắt giảm chi phí, rất cần một không gian kinh doanh khác để bù đắp. Việc chuyển đổi kinh doanh online và hoàn thiện hệ thống online để tối ưu hoá khai thác sẽ mở ra các cơ hội phát triển cho doanh nghiệp. Nếu doanh nghiệp làm tốt, có thể hình thành nên một thị trường online hoàn thiện và hoạt động hiệu quả hơn khi dịch qua đi.
Cơ hội chuyển đổi số trăm năm có một
Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng nhận định rằng đại dịch Covid-19 đang tạo ra cơ hội trăm năm cho chuyển đổi số. Ông Hùng cho rằng dịch bệnh Covid-19 xảy ra trên toàn cầu đặt ra thách thức rất lớn cho tất cả các quốc gia, có thể làm thay đổi thứ hạng và năng lực cạnh tranh quốc gia. Nhưng thách thức luôn đi cùng cơ hội. Những quốc gia phản ứng chậm sẽ có rủi ro chịu nhiều thiệt hại. Những quốc gia thích ứng nhanh sẽ phục hồi sớm hơn và tạo được đà phát triển mới.
Người đứng đầu Bộ TT&TT cho rằng các hoạt động kinh tế xã hội bị ngưng trệ theo cách cũ. Vì vậy, chúng ta sẽ phải sáng tạo ra những cách vận hành mới để cho cuộc sống vẫn tiếp diễn, học tập, làm việc và giải trí vẫn phải được tiếp tục. Các giải pháp công nghệ số sẽ giúp duy trì các hoạt động kinh tế xã hội, giúp chống dịch thành công, cũng như giảm tối đa suy thoái kinh tế, và sau dịch là bứt phá vươn lên.
Nhận định về phát triển kinh tế số, ông Hùng cho rằng các doanh nghiệp là lực lượng tiên phong trong chuyển đổi số, các doanh nghiệp phải có chiến lược và cách tư duy mới để cải tổ doanh nghiệp, hướng tới tăng năng suất lao động, tạo ra doanh thu mới, giá trị mới, nâng cao năng lực cạnh tranh.
Các doanh nghiệp có thể gặp khó khăn, có thể phải “ngủ đông" do ảnh hưởng của dịch bệnh nhưng “ngủ đông" không có nghĩa là bất động. Hãy chuẩn bị nguồn lực, chuyển đổi và nâng cấp để tăng tốc trở lại khi dịch bệnh được khống chế.
Bản quyền nội dung: Hearme.vn
0 Nhận xét