Không chi tiền cho quảng cáo, không có giám đốc Marketing nhưng xe của Tesla sản xuất đến đâu bán hết đến đấy, vẫn tăng trưởng vượt bậc trong mùa Covid-19. Bí quyết của hãng xe hơi có tuổi đời chưa đến 20 năm này là gì?
Thành công của Tesla được lý giải là nhờ vào mô hình D2C – Direct to customer, bán hàng trực tiếp từ nhà sản xuất tới tay khách hàng. Tesla không sử dụng mô hình phân phối truyền thống (qua nhiều kênh trung gian bán buôn, bán lẻ, đại lý,...để đến tay người tiêu dùng), mà ứng dụng công nghệ để chạy mô hình D2C.
Nhờ D2C, khách hàng có thể mua trực tiếp sản phẩm từ Tesla qua website và hơn 200 cửa hàng của Tesla trên toàn thế giới. Việc cắt bỏ khâu phân phối trung gian giúp Tesla có được những ưu thế sau:
- Nhà sản xuất tương tác trực tiếp với khách hàng, nhận phản hồi của khách hàng để cải tiến sản phẩm.
- Dự đoán được xu hướng và sở thích của người tiêu dùng nhờ các tương tác trực tiếp.
- Hoạt động bán hàng ổn định, không bị tác động bởi sự thay đổi chính sách của các kênh phân phối.
- Kiểm soát giá tốt, không bị ảnh hưởng bởi cơ chế giá sỉ, nâng giá, phá giá của các đại lý.
- Giảm thiểu chi phí trung gian, mang sản phẩm đến tay người tiêu dùng với giá cạnh tranh nhất.
Nhờ mô hình D2C, Tesla không cần chi bội tiền cho marketing, cũng không cần làm truyền thông rầm rộ mà để hữu xạ tự thiên hương. Từ khi thành lập năm 2003 đến nay, Tesla chưa từng có Giám đốc Marketing (CMO), cũng không thuê bất cứ agency nào phụ trách hoạt động truyền thông. Từ 2015, Tesla không chi đồng nào để chạy quảng cáo.
Chiến lược của Tesla là để khách hàng trải nghiệm sản phẩm rồi tự biến mình thành kênh marketing truyền miệng miễn phí cho Tesla. CEO Elon Musk cho rằng thay vì chi tiền cho quảng cáo, ông thà dùng tiền đó để cải thiện sản phẩm trở nên tốt hơn. Khi các cổ đông đề nghị Elon Musk nên chi ít nhất 50 USD trên mỗi một chiếc ô tô được sản xuất ra để quảng cáo, CEO Elon Musk phản đối và khẳng định:
Tôi nghĩ mọi người nên tập trung hơn vào sản phẩm, để khách hàng không thể cưỡng lại thành phẩm trên thị trường
Điều quan trọng nhất với Elon Musk là sản phẩm đáp ứng được mong đợi của khách hàng. Chính vì vậy, Elon rất trú trọng đến việc lắng nghe khách hàng, thu thập ý kiến phản hồi để không ngừng cải thiện sản phẩm.
Phần lớn ngân sách của Tesla (và hơn 70% thời gian của Musk) được dồn vào khâu nghiên cứu và phát triển. Musk cho rằng, qua thời gian, chất lượng sẽ "đè bẹp" những chiến dịch marketing có cánh. Chất lượng sản phẩm không chỉ biến khách thành "fan trung thành" mà còn là một "cỗ máy quảng cáo" hiệu quả nhất thị trường.
Theo kết quả nghiên cứu của Consumer Reports, Tesla là thương hiệu ô tô có tỷ lệ khách hàng hài lòng cao nhất. Theo đó, 88% những người từng mua xe Tesla cho biết họ cực kỳ hài lòng, dù có là dòng sản phẩm gì đi nữa. Tỷ lệ này của Telsa cao hơn cả Audi và Porsche.
Khảo sát của Prenzler cho thấy tỷ lệ hài lòng của khách hàng Tesla đều trên 90%. Điều bất ngờ là 92% khách hàng đang sử dụng Tesla cho biết họ sẽ tiếp tục mua các sản phẩm khác của Tesla trong tương lai.
Kết quả khảo sát của Prenzler cho thấy tất cả các khía cạnh kinh doanh của Tesla đều đạt mức độ hài lòng khách hàng trên 90%. |
Nhờ triết lý kinh doanh này mà Tesla nhanh chóng chiếm lĩnh thị phần ô tô trên toàn thế giới dù sinh sau đẻ muộn rất nhiều so với các “ông lớn” như Ford, Toyota, Audi. Năm 2019, Tesla bán được gần 400.000 xe, gấp 1,5 lần so với 2018 và gấp 3 lần so với 2017. Thực tế, số lượng xe Tesla làm không kịp để phân phối. Vấn đề duy nhất Tesla đang gặp phải là khách hàng phải chờ để được mua sản phẩm.
Trong đợt dịch Covid-19 vừa qua, khi tất cả các hãng xe lâu đời như Toyota, Ford bị giảm giá trị vì không bán được hàng thì Tesla vẫn tăng trưởng vượt bậc. Đầu tháng 7 năm 2020, cổ phiếu của Tesla tăng mạnh, giúp Tesla vươn lên thành hãng xe hơi có giá trị lớn nhất hành tinh với hơn 208 tỷ USD.
Bản quyền nội dung: Hearme.vn
0 Nhận xét