Toàn cảnh trải nghiệm khách hàng: Trải nghiệm khách hàng là chiến trường mới

Làm sao để mỗi nhân viên thấm nhuần văn hóa doanh nghiệp?

Văn hoá là sức mạnh, là nền tảng để doanh nghiệp kiến tạo đột phá trong trải nghiệm nhân viên và trải nghiệm khách hàng. Văn hoá tác động mạnh mẽ đến tinh thần làm việc nhóm, năng suất và hiệu quả làm việc, sự gắn bó và nhảy việc của nhân viên. Câu hỏi đặt ra là làm sao để mỗi thành viên của tổ chức đều thấm nhuần văn hoá và cùng góp sức xây dựng văn hoá vững mạnh.



Văn hoá là gắn kết


Văn hoá là sự hiểu biết lẫn nhau, hiểu về sứ mệnh và mục tiêu chung của tổ chức để hợp tác thành công. Phát triển văn hoá doanh nghiệp riêng biệt là điều cần thiết để cải thiện sự hài lòng nhân viên, tăng trải nghiệm tích cực, từ đó tăng sự gắn bó và lòng trung thành của nhân viên với tổ chức.


Nhân viên học văn hoá doanh nghiệp thế nào?


Mỗi thành viên học về các sắc thái và đặc điểm nổi bật của văn hoá doanh nghiệp qua nhiều cách khác nhau. Doanh nghiệp có thể điều phối các cách này để văn hoá thấm nhuần vào mỗi cá nhân.


Hầu hết các doanh nghiệp đều nói về văn hoá của mình trên website chính thức, hoặc có sổ tay để phát cho nhân viên trong ngày đầu nhân viên đến nhận việc. Nhân viên có thể học văn hoá doanh nghiệp từ những tài liệu có sẵn này, nhưng hiệu quả của nó phải phụ thuộc vào sự chủ động học hỏi và tiếp thu của nhân viên.


Để tăng cảm nhận về văn hoá cho nhân viên và biến văn hoá trở thành năng lượng cho nhân viên làm việc hàng ngày, doanh nghiệp cần sử dụng nhiều biện pháp để mọi nhân viên đều hiểu và thấm nhuần các giá trị văn hoá chung của doanh nghiệp.


Dưới đây là một số cách để doanh nghiệp đưa văn hoá đến gần với nhân viên:


Nghi thức và các buổi lễ


Để tạo ra một nền văn hoá mạnh mẽ và có tính nhận diện cao, hãy tạo ra các quy tắc, nghi thức dành riêng cho tổ chức của bạn. Các quy tắc này nên được thực thi thường xuyên, đặc biệt ở các buổi lễ có sự tham gia đông đảo nhân viên.


Rất nhiều doanh nghiệp tạo dựng nền văn hoá khác biệt bằng các quy tắc riêng của họ. Ví dụ như Starbucks, văn hoá của Starbucks thể hiện ở 5 quy tắc cơ bản sau mà nhân viên nào cũng thuộc nằm lòng:


“Biến trải nghiệm của khách thành của bạn” – Luôn tùy chỉnh trải nghiệm của khách hàng thông qua kinh nghiệm của nhân viên và linh hoạt theo từng tình huống khác nhau.


“Mọi thứ đều quan trọng” – Tập trung vào mọi khía cạnh trong lúc làm việc. Luôn tập trung theo dõi trải nghiệm của khách hàng và góc nhìn của họ.


“Niềm vui của sự bất ngờ” – Những bất ngờ nho nhỏ sẽ tạo nên một kỷ niệm mua hàng khó phai của khách.


“Luôn luôn kiên trì” – Làm việc trong ngành bán lẻ sẽ không tránh khỏi sai lầm, nhưng điều quan trọng nhất là nhân viên phải học được từ sai lầm đó và cùng công ty lớn mạnh hơn.


“Để lại dấu ấn” – Tạo một trải nghiệm hoàn hảo đến mức khách hàng có thể nhớ tới bạn.

Starbucks có văn hoá mạnh mẽ bởi họ có biểu tượng mạnh mẽ, có câu chuyện truyền cảm hứng và có những quy tắc rất riêng.

Các biểu tượng văn hoá


Biểu tượng đóng vai trò đại diện cho văn hoá của tổ chức. Cũng giống như cồng chiêng là biểu tượng của văn hoá Tây Nguyên. Tổ chức nên chọn một biểu tượng để làm công cụ nhận diện cho văn hoá của mình.


Biểu tượng có thể là logo và thương hiệu của doanh nghiệp, là màu sắc đồng phục, là thông điệp in trên các công cụ truyền thông của doanh nghiệp. Biểu tượng càng được nhận diện đông đảo, chứng tỏ văn hoá càng vững mạnh.


Logo của Starbucks chính là một biểu tượng văn hoá của doanh nghiệp này. Trên logo là hình ảnh nàng tiên cá Melusine. Nhân vật Melusine được cho là có sức quyến rũ đặc biệt trong truyền thuyết mang nét tương đồng với hương vị mà cà phê, trà và gia vị mang lại. Howard Schultz, ông chủ của Starbucks đã nói rằng giống như nàng tiên cá trong truyền thuyết, Starbucks chính là để quyến rũ những người yêu cà phê từ khắp mọi nơi. Từ đó hình ảnh nàng tiên cá Melusine trở thành biểu tượng văn hoá và cũng là đặc điểm nhận dạng thương hiệu của Starbucks.


Ngôn ngữ


Doanh nghiệp nào cũng phải sử dụng ngôn ngữ để giao tiếp với nhân viên và với khách hàng. Việc sử dụng ngôn ngữ nhất quán trong các tài liệu đào tạo và học tập có thể thúc đẩy nhận thức của nhân viên về các quy trình trong tổ chức và cách đối xử với nhau trong tổ chức.


Điển hình như cụm từ “Chúng ta" được sử dụng nhất quán trong các tài liệu có thể truyền thông điệp gắn kết và tinh thần “một thể thống nhất" tới nhân viên, cho nhân viên cảm giác thuộc về tổ chức, cho nhân viên thấy doanh nghiệp coi trọng sự gắn kết, đồng lòng hơn là thành tích cá nhân.


Câu chuyện


Câu chuyện giúp văn hoá doanh nghiệp trở nên sống động và thu hút. Mỗi doanh nghiệp nên tự tạo ra các câu chuyện thể hiện văn hoá của mình. Các câu chuyện này thường là những sự kiện đáng nhớ trong quá khứ, liên quan đến người sáng lập, về những cuộc chinh phục thành công hay thất bại của doanh nghiệp. Giá trị của văn hoá thường được củng cố thông qua việc kể lại các câu chuyện, cũng như giúp nhân viên hiểu hơn về những điều nên làm và không nên làm khi là thành viên của doanh nghiệp.


Sở dĩ Starbucks có nền văn hoá vững mạnh và mọi nhân viên đều thầm nhuần văn hoá này vì Starbucks kể những câu chuyện văn hoá sinh động. Từ câu chuyện về nguồn gốc và ý nghĩa của logo, đến câu chuyện của nhà sáng lập Howard Schultz, và cả những câu chuyện về các thay đổi mạnh mẽ trong quá khứ như quyết định đóng cửa hàng nghìn cửa hàng năm 2018 để đào tạo lại nhân viên. Mỗi câu chuyện có tình tiết, nội dung khác nhau nhưng đều thấm nhuần “tinh thần Starbucks".


Sử dụng công cụ kỹ thuật số để truyền tải văn hoá


Muốn nhân viên thấm nhuần văn hoá, truyền thông nội phải thường xuyên đưa các thông điệp văn hoá vào các sản phẩm truyền thông của mình. Đồng thời, doanh nghiệp cũng nên ứng dụng các giải pháp, sử dụng công cụ kỹ thuật số để các thông điệp đến được đông đảo nhân viên. 


Bản quyền nội dung: Hearme.vn


Hearme.vn - Giải pháp đo lường hài lòng khách hàng

  • Chưa đến: 5.000 đ/ngày
Tư vấn: 0912083463

Đăng nhận xét

0 Nhận xét