Vẽ bản đồ hành trình trải nghiệm nhân viên là một bước quan trọng trong quản trị trải nghiệm nhân viên, giúp các nhà quản trị phát hiện các “điểm đau” để cải thiện trải nghiệm.
Hành trình nhân viên là gì?
Hành trình nhân viên mô tả toàn bộ thời gian nhân viên dành cho doanh nghiệp, từ lúc bắt đầu tuyển dụng đến lúc nghỉ việc. Hành trình này bao gồm nhiều giai đoạn trải nghiệm, từ lúc gửi đơn xin việc, tham gia phỏng vấn, đến quá trình làm việc tại doanh nghiệp. Hành trình nhân viên đôi khi còn được gọi là vòng đời nhân viên.
Trên hành trình này, có những khoảnh khắc và trải nghiệm đọng lại giúp hình thành ấn tượng và cảm nhận của nhân viên về nơi làm việc. Xác định chính xác những thời điểm quan trọng này sẽ giúp người quản trị xây dựng nền tảng vững chắc cho các trải nghiệm tích cực.
Bản đồ hành trình trải nghiệm nhân viên là gì?
Tương tự như bản đồ hành trình trải nghiệm khách hàng, bản đồ hành trình trải nghiệm nhân viên cho thấy các tương tác giữa nhân viên và doanh nghiệp qua từng giai đoạn, bắt đầu từ khi nhân viên nghe đến doanh nghiệp, nộp đơn ứng tuyển, đến khi nhân viên rời doanh nghiệp.
Bản đồ hành trình trải nghiệm nhân viên giúp người quản trị phát hiện các “điểm đau”, các vấn đề khiến nhân viên không hài lòng trong quá trình làm việc để từ đó loại bỏ, cải thiện, giúp nhân viên có trải nghiệm tốt hơn.
Bản đồ hành trình trải nghiệm nhân viên thường được vẽ theo trình tự thời gian, chia làm nhiều giai đoạn, từ khi tuyển dụng đến khi nghỉ việc.
Vì sao cần vẽ bản đồ hành trình trải nghiệm nhân viên?
Bản đồ hành trình trải nghiệm nhân viên giúp người quản trị xác định các điểm đau, các vấn đề nhức nhối để loại bỏ, từ đó cải thiện trải nghiệm nhân viên.
Vì sao cần cải thiện trải nghiệm nhân viên? Bởi trải nghiệm tích cực giúp tăng sự gắn kết của nhân viên với doanh nghiệp, giảm tỷ lệ nhảy việc, giảm chi phí tuyển dụng, tăng hiệu quả làm việc và cải thiện trải nghiệm khách hàng. Bởi nhân viên hạnh phúc - khách hàng sẽ hài lòng. Trải nghiệm nhân viên tích cực giúp cụ thể hóa các giá trị của doanh nghiệp và góp phần xây dựng văn hóa doanh nghiệp vững mạnh.
5 bước vẽ bản đồ hành trình trải nghiệm nhân viên
Các nhà quản trị trải nghiệm nhân viên có thể vẽ bản đồ hành trình theo 5 bước cơ bản dưới đây:
Bước 1: Bắt đầu bằng nghiên cứu
Tiến hành nghiên cứu trải nghiệm nhân viên hay nói cách khác là đánh giá sơ bộ tình trạng trải nghiệm nhân viên hiện tại. Công ty có thể đã có sẵn các dữ liệu bạn cần như tỷ lệ nhảy việc, tỷ lệ nhân viên gắn bó,...Tuy nhiên bạn vẫn cần phải thu thập thêm các dữ liệu khác, đặc biệt là tiếng nói của nhân viên. Hãy phỏng vấn nhân viên và tập hợp các thông tin về nhu cầu, mục tiêu, kỳ vọng, các vấn đề gặp phải và các quan điểm, góc nhìn của nhân viên về doanh nghiệp. Phỏng vấn nhân viên ở các phòng ban, các cấp (quản lý - nhân viên), các mức độ gắn kết (nhân viên cũ - mới). Nên sử dụng các công cụ kỹ thuật số như máy tiếp nhận phản hồi nhân viên để thực hiện phỏng vấn để tiết kiệm thời gian và tiến hành được trên diện rộng.
Bước 2: Xây dựng chân dung nhân viên
Chia nhân viên thành các nhóm theo đặc điểm về nhu cầu, mục tiêu, kỳ vọng, kinh nghiệm làm việc. Xây dựng chân dung (đặc điểm chung) của từng nhóm, làm rõ mong muốn, kỳ vọng, thách thức mà từng nhóm đang gặp phải.
Bước 3: Xác định các giai đoạn/thời điểm quan trọng với từng nhóm
Xác định các giai đoạn khác nhau trên toàn bộ thời gian nhân viên có với doanh nghiệp, xác định các vấn đề, mong muốn của nhân viên ở từng giai đoạn. Các vấn đề cần để tâm bao gồm: quá trình tuyển dụng, hội nhập nhân sự mới, chế độ đãi ngộ, hoạt động gắn kết, cơ hội thăng tiến, cơ hội học hỏi và phát triển, quản lý hiệu suất, cơ hội thăng tiến, phần thưởng và nghỉ việc.
Bước 4: Vẽ bản đồ hành trình
Hình dung hành trình từ góc nhìn của nhân viên. Kết hợp với các thông tin bạn thu thập được từ bước 1 để vạch ra các điểm quan trọng về quy trình và các điểm tương tác giữa nhân viên và doanh nghiệp ở từng giai đoạn, bao gồm cả các vấn đề gặp phải. Lưu ý cả các vấn đề khi chuyển giai đoạn để phát hiện các thời điểm khiến nhân viên lạc lõng và thiếu gắn kết.
Bước 5: Hành động và điều chỉnh
Sau khi xác định các điểm đau trên hành trình trải nghiệm nhân viên, cần tìm cách cải thiện các điểm này. Ví dụ nếu thấy việc tuyển dụng quá nhiều bước nhiêu khê, cần bỏ bớt các bước này. Sau khi tiến hành thay đổi, hãy quay lại bước 1 để đo lường hiệu quả cải thiện, rồi điều chỉnh bản đồ hành trình nếu cần thiết. Như vậy bản đồ hành trình phải luôn được điều chỉnh, cập nhật thường xuyên.
0 Nhận xét